

Tất tần tật về các thể loại Nhiếp Ảnh
Nói về nhiếp ảnh thì sẽ có rất nhiều mảng miếng trong lĩnh vực này, cá nhân tôi sẽ chia nhiếp ảnh ra làm 2 mảng lớn. Đó là: Mảng nhiếp ảnh kiếm ra thu nhập và Mảng xem nhiếp ảnh là một đam mê, sở thích.
Ở bài blog này tôi sẽ chỉ nói về mảng nhiếp ảnh tạo ra thu nhập. Cá nhân tôi cũng đang nuôi cả gia đình bằng việc chụp ảnh. Ở mảng lớn này tôi sẽ chia ra 03 con đường chính thống tiếp theo đó là: Nhiếp Ảnh Truyền Thông ( Photojournalists), Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật ( Fine Art) và Nhiếp Ảnh Thương Mại ( Commercial)
1. Nhiếp Ảnh Truyền Thông ( Photojournalists): Tôi sẽ không đi sâu vào mảng này, vì bản thân cá nhân tôi là 1 Commercial Photographer.
Lưu ý: Paparazzi từ các tờ báo lá cải sẽ không liên quan đến bất kì nội dung nào được đề cập đến trong bài viết này.
Photojournalists bao gồm nhiếp ảnh báo chí và nhiếp ảnh phóng sự. Phương châm quan trọng nhất đối với nhiếp ảnh truyền thông là khách quan và trung thực. Thể loại ảnh này có thể được xem là gắn liền chặt chẽ với báo chí nhất. Đối với báo chí, những phương tiện truyền thông tồn tại song song với nhau hoặc có thể kết hợp với nhau như bài viết, nhiếp ảnh, video và âm thanh. Nhiếp ảnh truyền thông là một công cụ để truyền tải thông tin. Các photojournalists (phóng viên ảnh) hoặc documentary photographers (nhiếp ảnh gia mảng tài liệu), họ cần làm những việc sau:
- Tìm kiếm thông tin
- Khai thác thông tin
- Truyền tải thông tin.
Nhiếp ảnh truyền thông có thể thực hiện dưới dạng ảnh đơn hoặc ảnh bộ. Ảnh bộ được chia làm ba loại: phóng sự ảnh ( photo essay), kể chuyện qua ảnh (photo story) và bộ sưu tập ảnh (photo collection). Các thể loại nhiếp ảnh trên con đường này:- Ký sự, tài liệu - Động vật hoang dã, thiên nhiên - Sân khấu - Thể thao - Chiến sự - Chân dung - ...


Bác Nick Út với bức ảnh nổi tiếng " Em bé Napalm."
Bản quyền ảnh sẽ thuộc về cá nhân nhiếp ảnh gia hay tờ báo mà họ đang làm việc ( do thỏa thuận văn bản từ 2 bên). Theo quan điểm cá nhân của tôi, Nhiếp ảnh gia báo chí là những người có tay nghề và tư duy nhiếp ảnh cao nhất trong 3 con đường mà tôi đã đề cập ở trên, họ cần những kĩ năng chuyên nghiệp và thuần thục để bắt khoảnh khắc nhanh nhất, cùng với tư duy, phản xạ và nhãn quan nghệ thật tốt, giúp họ có được những bức ảnh ấn tượng nhất. Đồng thời phải gan dạ và mạo hiểm nữa! ( Đối với thể loại Chiến Sự và Động vật hoang dã). Thu nhập của họ sẽ là khoản lương không nhỏ từ các tờ báo và từ tiền bản quyền hình ảnh. Các nhiếp ảnh gia báo chí họ thường sẽ có uy tín rất cao trong nghề, nên khi kết thúc sự nghiệp mỗi cá nhân thường sẽ được mời đi dạy nghề, họ cũng có thể bán các tác phẩm thuộc bản quyền của mình, đây cũng là một khoản thu nhập thêm đáng kể của các Photojournalists.






Vincent Munier - với bức ảnh White Wolf nổi tiếng
2. Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật ( Fine Art): Nhiếp ảnh nghệ thuật là thể loại nhiếp ảnh thể hiện tư tưởng và thông điệp của người nghệ sĩ.
Mỗi bức ảnh hay bộ ảnh nghệ thuật đều có một thông điệp cụ thể, người chụp sẽ dùng hình ảnh để truyền tải thông điệp đó với mọi người. Trái với nhiếp ảnh truyền thông, nhiếp ảnh nghệ thuật hoàn toàn có sắp đặt, không ai phê phán sự sắp đặt đó, miễn sao thể hiện được thông điệp và cái tôi nghệ thuật của người nghệ sĩ. Rất nhiều Commercial Photographers đã dùng nhiếp ảnh nghệ thuật để làm những dự án cá nhân nhằm thể hiện và thỏa mãn cái tôi của mình, đồng thời truyền đạt tư duy nghệ thuật của họ đến khách hàng. Các thể loại nhiếp ảnh trên con đường thứ 2 này:
- Khỏa thân ( Nude)
- Trừu tượng/ Siêu thực
- Đường phố
- Phong cảnh
- Macro
- Thời trang


Bác Thái Phiên đang in ảnh Nude để chuẩn bị cho triển lãm
Những người theo thể loại này thường có cái tôi rất cao về nghệ thuật, họ là những tay chơi nhiếp ảnh lâu năm với chuyên môn rất cao về thể loại Editorial ( Nhiếp ảnh sắp đặt) và là một bậc thầy về bố cục và ánh sáng. Đa số họ là những người đã có công việc thu nhập ổn định và việc chụp ảnh là nghề " Tay trái". Đối với những người dùng con đường này để làm full-time ( Công việc chính tạo thu nhập), họ có thể bán các tác phẩm của mình qua những bản in hoặc các nền tảng online, một số Nhiếp Ảnh Gia lâu năm trong nghề thì đầu tư triển lãm ảnh hoặc mở các lớp học về nhiếp ảnh. Một số khác thì chọn con đường đi săn giải thưởng,...




Mr. Edwin Ong Wee Kee đoạt giải thưởng HIPA khi chụp một bà mẹ người dân tộc H'mong tại Yên Bái - Vietnam
3. Nhiếp Ảnh Thương Mại ( Commercial): Bản thân hai chữ thương mại cũng định nghĩa được con đường này.
Đây là hướng đi của các bạn dùng máy ảnh với mục đích phục vụ các nhu cầu về hình ảnh của khách hàng... Hiểu đơn giản như sau, khách hàng đưa ra yêu cầu hình ảnh, bạn đồng ý chụp và họ trả lương ( đã qua thỏa thuận) cho bạn khi bạn đáp ứng tốt các nhu cầu về hình ảnh của khách hàng, thì bạn chính là một Commercial Photographer. Không có gì phải xấu hổ cả, cá nhân tôi cũng là một người Chụp ảnh thương mại. Con đường này tôi có thể liệt kê ra các thể loại nhiếp ảnh phổ biến sau:
- Chụp ẩm thực ( Food Photography)
- Chụp kiến trúc
- Chụp nội thất
- Chụp trẻ em ( New born)
- Chụp gia đình
- Chụp chân dung
- Chụp Boudoir
- Chụp sản phẩm
- Chụp sự kiện
- Chụp cưới
- Chụp thời trang
- Chụp phong cảnh
- Chụp stocks
- Chụp bất động sản ( Drones, Resorts, Hotels,...)

Tôi với dự án mooncakes InterContinental Saigon 2020
Đây là con đường được nhiều người theo đuổi nhất, rất nhiều lựa chọn, đầy thử thách và rất hấp dẫn với các bạn trẻ, nhưng đồng thời với việc này là sự cạnh tranh rất cao! Ai cũng muốn có nhiều khách hàng, ai cũng muốn có thu nhập cao hàng tháng. Tôi sẽ chia những người chọn con đường này thành hai nhóm: Nhóm 1: Những bạn nhận chụp tất cả mọi thể loại kể trên và Nhóm 2: Là những bạn chọn làm chuyên gia trong 1 thể loại.
- Nhóm 1: Các bạn nhóm này sẽ dùng quỹ thời gian của mình cho rất nhiều việc, từ việc nhận chụp tất cả các lời đề nghị nhận được, đến việc edit và quảng bá những hình ảnh đủ mọi thể loại của mình. Đi đôi với việc này, đó là chất lượng hình ảnh đầu ra sẽ không cao và chuyên môn sẽ giảm dần đều theo thời gian. Do nhận chụp nhiều thể loại nên nhóm 1 sẽ dễ áp dụng cách chụp thể loại này cho thể loại khác! Dẫn đến nhiều trường hợp áp dụng cách chụp sản phẩm cho món ăn, hay dùng ánh sáng chụp chân dung để chụp sản phẩm! Nhóm 1 sẽ có tập khách hàng thấp cấp và trung cấp, họ thường dành rất ít chi phí cho việc chụp ảnh, họ chỉ cần có hình ảnh trong một khoảng thời gian ngắn hạn.
- Nhóm 2: Những chuyên gia trong từng thể loại cụ thể. Những người theo nhóm này thường sẽ có tư duy hình ảnh và tay nghề vượt trội hơn nhóm 1, họ biết họ thích chụp gì và chụp tốt thể loại nào, họ chuẩn bị rất kĩ trong khâu tiền kì để khâu hậu kì được hoàn hảo nhất. Họ chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng mục tiêu của mình, họ sẵn sàng từ chối những lời đề nghị ngoài chuyên môn của họ. Nhóm 2 sẽ có tập khách hàng Trung Cấp và Cao Cấp tùy theo kinh nghiệm và tay nghề , những khách hàng này luôn biết họ muốn gì và yêu cầu cao về hình ảnh đầu ra. Tập khách hàng này sẽ sẵn sàng chi một khoản đầu tư xứng đáng cho một dư án chụp ảnh chất lượng. Các photographers trong Nhóm 2 thường sẽ có thu nhập cao hơn nhóm 1, thậm chí họ còn tích lũy được nhiều quỹ thời gian rảnh rỗi và dùng chúng để tận hưởng cuộc sống của họ!
Cá nhân tôi là một food photographer ở Nhóm 2, tôi chọn Food Photography làm chuyên môn của mình, tại sao tôi lại có quan điểm cá nhân cao trong việc nhận định 2 nhóm photographers này như vậy? Vì cách đây 5 năm, tôi là một trong số những người ở nhóm 1, tôi là người hiểu rõ nhất sự khác biệt khi mình thay đổi tư duy của chính mình!
Bài blog này tôi có tham khảo từ bài viết của anh James Dương từ báo tuoitre.vn
Cảm ơn các bạn! Hẹn các bạn trong blog tiếp theo!

Tôi với dự án menu cho nhà hàng Black Vinegar - New World Saigon
- No Comments